Công ty Hồ Bơi Vina cung cấp và lắp đặt thiết bị hồ bơi, thiết bị xử lý nước, công nghệ làm nóng nước heat & heater pump, thiết bị spa xông hơi
Ngành nuôi tôm công nghiệp đang phát triển không ngừng và ngày càng có nhiều mô hình nuôi thâm canh. Một trong số đó là mô hình nuôi thay nước nhiều và yêu cầu chính trong mô hình này là nguồn nước được xử lý “sạch” trước khi cấp vào ao vèo và ao nuôi.
Ba loại hóa chất được ứng dụng phổ biến hiện nay: Chlorin, thuốc tím, PAC.
Nhằm đưa ra định hướng xử lý đúng và tiệt kiệm chi phí cho người nuôi chúng tôi cung cấp thêm một số thông tin về 3 loại hóa chất này để người nuôi tự đưa ra cách xử lý thích hợp nhất.
1. Chlorine
Tác dụng của chlorine trong nuôi trồng thủy sản
– Trong tự nhiên chlorine tồn tại ở các dạng khác nhau như: Khí Clo (Cl2): 100% Clo; Clorua vôi – Calcihypochlorite (Ca(OCl)2): 65% Clo; Natrihypochlorite (NaOCl) và Clo dioxyt (ClO2). Clorua vôi được sử dụng rất rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản, chlorine có tác dụng sau:
– Tẩy trùng ao, hồ, trang thiết bị, dụng cụ…
– Diệt vi khuẩn, vi rút, tảo, sinh vật phù du trong môi trường nước.
– Oxy hóa các vật chất hữu cơ và mầm bệnh ngoại lai trong sản xuất giống.
Cơ chế tác dụng của chlorine
Cơ chế diệt khuẩn, tảo, động vật phù du trong môi trường: chlorine tác động lên tế bào, phá hủy hệ enzyme của vi khuẩn. Khi enzyme tiếp xúc với chlorine thì nguyên tử hydro trong cấu trúc phân tử enzyme bị thay thế bởi chlorine. Vì vậy, cấu trúc phân tử thay đổi, enzyme của vi khuẩn không hoạt động làm tế bào chết và sinh vật chết.
Một số lưu ý trong sử dụng chlorine
– Phổ diệt trùng của chlorine rất rộng nên các vi khuẩn có lợi trong nước và đáy ao dễ bị tiêu diệt.
– Chlorin ít hiệu quả với bào tử vi khuẩn và sẽ giảm khi môi trường vật chất hữu cơ cao, pH, độ kiềm của nước cao.
– Chlorin mang lại hiệu quả cao trong môi trường pH thấp vì khi hòa tan chlorin sẽ cho ra 2 dạng HClO và OCl- đều có tính năng diệt khuẩn, trong đó chlor sẽ phân li chủ yếu HClO khi pH nước thấp và tính năng sát khuẩn cao hơn gấp nhiều lần so với OCl-
– Khi dùng chlorine sát trùng nước, dư lượng của khí Cl có thể gây độc cho vật nuôi, đặc biệt là ấu trùng tôm, cá biển. Do vậy, cần trung hòa chlorine bằng natri Thiosulfate. Để khử 1mg/l Cl2 cần 7mg/l Thiosulfate natri. Và dĩ nhiên chúng ta cần thận trọng đánh giá dư lượng chlorin trong giai đoạn dưới 30 ngày tuổi để tránh ảnh hưởng và làm stress tôm.
– Lưu ý rằng liều dùng trực tiếp trong ao tôm không nên quá 3ppm (3kg/1000 m3 nước) vì sẽ gây ngộ độc cho tôm nuôi trong ao.
Việc tính lượng chlorine chính xác khi xử lý là phức tạp, vì thế, cần thận trọng khi sử dụng chlorine, đặc biệt là xử lý bệnh cho thủy sản nuôi.
Liều lượng sử dụng
+ Khử trùng thiết bị, bể và dụng cụ: 100 – 200ppm, từ 100 – 200kg cho 1000 m3 nước trong (30 phút)
+ Khử trùng đáy ao: 50 – 100ppm. Xử lý khi tôm của vụ nuôi trước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
+ Khử trùng nước ao: 25 – 35ppm trong trường hợp sử dụng trực tiếp trong ao nuôi khi chưa có tôm nhưng khi sau xử lý thuốc tím và PAC thì liều dùng chlorin nên áp dụng linh hoạt từ 5-15 ppm (5-15kg/1000m3) tùy theo nguồn nước, mùa vụ và giai đoạn tuổi của tôm.
+ Xử lý bệnh do vi khuẩn: 1 – <3ppm. Không nên áp dụng liều >3ppm vì dễ gây ngộ độc và stress tôm. Rất hạn chế sử dụng phương pháp này trong ao.
+ Một lưu ý để nhận biết chlorin có hoạt lực tốt và đủ liều là sau khi sử dụng chlorin nước sẽ càng trong hơn sau xử lý. Trường hợp nước sau xử lý Chlorin nước bị đục đỏ thì nên xem lại qui trình xử lý và hàm lượng hữu cơ trong nước.
2. Thuốc tím (KMnO4)
Thuốc tím thương mại ở dạng tinh thể hoặc bột. Đối với thuốc tím, phải hòa tan trong nước trước khi sử dụng nhằm tăng hiệu quả xử lý nước.
Hiện nay thuốc tím được sử dụng rất rộng rãi trong các mô hình nuôi thay nước 2 giai đoạn và 3 giai đoạn.
Cơ chế hoạt động của thuốc tím (KMnO4)
– Thuốc tím là một chất oxy hóa mạnh, có thể oxy hóa các chất hữu cơ cũng như vô cơ. Thuốc tím có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm tảo bằng cách oxy hóa trực tiếp lên màng tế bào phá hủy các enzyme đặc hiệu điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào.
– Thuốc tím có khả năng kết tủa Sắt và Mangan theo phản ứng:
3Fe2 + KMnO4 + 7H2O => 3Fe(OH)3 + MnO2 + K + 5H
3Mn2 + 2KMnO4 + 2H2O => 5MnO2 + 2K + 4H
– Thuốc tím có khả năng làm trong nước theo nguyên lý cần bằng điện tích, các hạt hạt phù sa, keo khoáng mang điện tích âm, Mn mang điện tích dương làm cho keo khoáng trở nên trung tính và lắng tụ.
Liều dùng
– Trên thực tế hiện nay liều dùng thuốc tím cho xử lý nước trong các ao lắng thô thường là 3-5ppm
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tím
– Cần tính toán lượng nước trong ao để tránh lãng phí cũng như là đủ độc lực tiêu diệt mầm bệnh. Một phương pháp thường được áp dụng để đánh giá đúng hàm lượng thuốc tím cần ứng dụng. Bắt đầu với liều 2ppm, hòa tan hết và tạt đều khắp ao. Kiểm tra sau 10-12 giờ nếu nước chuyển sang màu hồng sáng thì đã đủ liều, ngược lại nước chuyển sang màu nâu đen thì cần tăng liều xử lý thêm.
– Thuốc tím là chất oxy hóa mạnh, vì vậy khi bảo quản cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và tránh nhiệt độ cao.
– Không dùng thuốc tím chung với một số loại thuốc sát trùng khác như formaline, iốt, H2O2…
– Thuốc tím sau khi pha phải được sử dụng ngay để tránh làm mất hoạt tính của thuốc.
– Thuốc tím chỉ nên xử lý trong ao lắng trong các mô hình nuôi thay nước để oxy hóa vật chất hữu cơ trong nước.
3. P.A.C (Poly amonium chloride)
Đây là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước cấp, nước thải, nước nuôi trồng thủy sản, giúp kết lắng các hợp chất keo tụ và các chất lơ lửng, loại bỏ chất hữu cơ, có trong nước.
– P.A.C và thuốc tím thường được ứng dụng song song trong quá trình xử lý nước đầu vào của những qui trình nuôi thâm canh hiện nay.
– P.A.C được thay thế phèn nhôm trước đây do có ưu điểm không gây ảnh hưởng chất lượng nước và làm giảm pH của nguồn nước.
– P.A.C thường tồn tại 2 dạng: lỏng và dạng bột. Trong nuôi trồng thủy sản thường sử dụng dạng bột bởi do tính tiện lợi của sản phẩm. Liệt kê dưới đây các dạng của PAC ở dạng bột thường có màu vàng, vàng chanh, trắng, trắng ngà.
Ưu điểm của PAC dùng trong nuôi trồng thủy sản:
– Dễ tan trong nước
– Keo tụ tạo bông và lắng nước hiệu quả
– Không làm giảm pH của nước
– Hoạt động trong ngưỡng pH 6.5-8.5
– Thời gian keo tụ nhanh, dễ lắng tụ xuống đáy
Liều dùng:
– Trong quá trình xử lý nước: từ 3 – 10 ppm. Liều lượng này tùy thuộc vào chất lượng nước và hàm lượng hữu cơ, phù sa lơ lững của tùng vùng và áp dụng linh hoạt dựa trên thực tế
– Có thể làm giảm hàm lượng PAC bằng cách nâng lưu lượng của ao lắng thô để tận dụng thời gian lắng tự nhiên.
– Trong nước giếng ngầm thường có hàm lượng phèn và kim loại nặng cao nhưng hàm lượng vật chất hữu cơ lơ lững là rất thấp nên lượng PAC có thể không cần áp dụng hoặc rất ít
Lưu ý:
– Tính toán nồng độ pha loãng từ 5-10% dung dịch PAC và sử dụng hết trong vòng 4-8 giờ.
Một số hoạt chất khác thường sử dụng cho quá trình lắng tụ: PAM, KMR, Accofloc, vv…
Các loại này tùy vào từng mục đích sử dụng mà nhà sản xuất đưa ra các các dạng như sau:
– Cationic
– Anionic
– Non – ionic
– Ion
Trong nuôi trồng thủy sản chúng ta thường sử dụng dạng Cationic và Anionic
Dạng Cationic dùng cho lắng tụ hữu cơ và độ đục trong môi trường nước có pH <7 và ngược lại dạng Anionic dùng cho môi trường nước có pH >7.